Chiều nay 5.11,êntốtnghiệpgiỏivàxuấtsắcnhưngchỉemthựcchấ33bet tại Hà Nội đã diễn ra hội thảo Giáo dục 2023 do Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội, phối hợp với Bộ GD-ĐT và ĐH Quốc gia Hà Nội tổ chức. Đây là hội thảo được tổ chức thường niên, chủ đề của hội thảo năm nay là "Thể chế, chính sách nâng cao chất lượng giáo dục ĐH", trong đó đặt vấn đề sinh viên tốt nghiệp loại giỏi và xuất sắc nhưng chưa thực chất.
Những trường hàng đầu thì "rất ổn"
Tại hội thảo, một đại diện đến từ doanh nghiệp, đại tá Dương Xuân Phượng, Phó giám đốc Học viện Viettel, đã chia sẻ một số nhận xét về chất lượng nguồn nhân lực mà Tập đoàn Viettel tuyển dụng từ các trường ĐH trong nước, qua đó phản ánh chất lượng đào tạo của các trường.
Theo ông Phượng, cái lõi hoạt động sản xuất, kinh doanh của Tập đoàn Viettel là kỹ thuật điện tử, viễn thông; chế tạo, sản xuất kinh doanh công nghiệp, công nghệ cao. Vì thế đội ngũ nhân sự chủ chốt ở tập đoàn và đơn vị trực thuộc hầu hết phải có 2 bằng đại học: kỹ thuật và kinh tế. Bằng kỹ thuật để hiểu gốc của sản phẩm; bằng kinh tế để quản trị kinh doanh hiệu quả. Là doanh nghiệp quân đội nên đội ngũ lãnh đạo chỉ huy phải có thêm một bằng nữa về chỉ huy tham mưu quân sự.
Đội ngũ nhân sự chủ chốt này về cơ bản tốt nghiệp ĐH Bách khoa Hà Nội, Học viện Kỹ thuật quân sự, Trường ĐH Công nghệ - ĐH Quốc gia Hà Nội, Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông. Những người này thường có văn bằng 2 hoặc thạc sĩ kinh tế ở các trường ĐH: Kinh tế quốc dân, Ngoại thương, Thương mại và Học viện Tài chính. Trong đó, 1/4 nhân sự chủ chốt tốt nghiệp tại ĐH Bách khoa Hà Nội. "Chúng tôi đánh giá chất lượng đào tạo của các trường ĐH của chúng ta là rất tốt, rất ổn", ông Phượng nhận xét.
Tuy nhiên, cũng theo ông Phượng, nhận xét "rất tốt, rất ổn" nói trên là chỉ với một số trường ĐH hàng đầu ở Việt Nam. Còn trên hệ thống chung, qua thực tế tuyển dụng nhân sự của Viettel cho thấy chất lượng đào tạo của các trường ĐH hiện nay còn nhiều bất cập, trong đó nổi bật vấn đề khoảng cách giữa nội dung đào tạo tại trường ĐH và thực tế làm việc tại doanh nghiệp.
2.000 hồ sơ giỏi và xuất sắc, thực chất chỉ được 100
Ông Phượng cho biết: "Chúng tôi đã khảo sát nhanh hơn 100 sinh viên tốt nghiệp xuất sắc đang tham gia chương trình thực tập sinh tài năng Viettel Digital Talent (những người được lựa chọn từ gần 2.000 hồ sơ) và kết quả cho thấy, 3/4 các em tự nhận xét những gì mình được học chỉ đáp ứng được dưới 75% yêu cầu công việc, chỉ 2% cho rằng với những gì mình được trang bị có thể đáp ứng trên 90% yêu cầu. Tỷ lệ này là khá tương đồng với nhận định của các cán bộ Viettel được giao hướng dẫn, kèm cặp. Kết quả này phản ánh thực trạng thiếu và yếu kiến thức chuyên môn và kỹ năng mềm (đây là những kỹ năng mà trường ĐH ít đào tạo, doanh nghiệp mất trung bình 4 - 6 tháng để đào tạo bổ sung".
Đặc biệt, có một thực tế khó giải thích là những năm gần đây, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp các loại khá, giỏi, xuất sắc rất cao, có khi lên đến 99%. trong khi năng lực thực tế không cách biệt quá nhiều so với các thế hệ sinh viên tốt nghiệp trước đây (trước đây ngay cả những sinh viên tốt nghiệp loại trung bình nhưng khi được tuyển dụng vẫn đáp ứng được yêu cầu công việc). "Hiện tượng một sinh viên tốt nghiệp loại xuất sắc nhưng không thể đáp ứng được 70% yêu cầu công việc không phải là trường hợp cá biệt", ông Phượng nêu ý kiến.
Theo ông Phượng, với doanh nghiệp thì quan trọng nhất vẫn là năng lực làm việc thực tế. Kinh nghiệm của các trường đại học hàng đầu Việt Nam và trên thế giới cho thấy, chính việc duy trì chất lượng đào tạo với yêu cầu đánh giá khắt khe mới là một trong những yếu tố làm nên vị thế, uy tín, thương hiệu của nhà trường.
Từ những nhận định trên, ông Phượng cho rằng các trường cần đổi mới nội dung, chương trình đào tạo sát với thực tế doanh nghiệp, cần đào tạo theo "tín hiệu thị trường". Các cơ quan quản lý cần tạo sự linh hoạt, chủ động cho các trường ĐH trong việc thay đổi, cập nhật nội dung đào tạo gắn liền với yêu cầu của doanh nghiệp. Thay vì đặt ra câu hỏi đến trường "học được kiến thức gì?" thì cần hỏi "học xong có thể làm được gì?"!
Đặc biệt, các trường ĐH cần rà soát, xem xét lại tiêu chí đánh giá sinh viên. Đừng để như hiện nay, tràn lan sinh viên tốt nghiệp loại khá, giỏi nhưng không thực chất. "Minh chứng cho nhận xét này chính là cuộc tuyển chọn sinh viên tham gia chương trình thực tập sinh tài năng Viettel Digital Talent. Chúng tôi nhận được 2.000 hồ sơ, gồm những em tốt nghiệp loại giỏi, xuất sắc. Nhưng qua kiểm tra thực tế tại doanh nghiệp thì chỉ có 100 em đạt yêu cầu. Do đó, Bộ GD-ĐT cần phải có cách thức nào đó để kiểm soát tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp loại giỏi, xuất sắc đúng thực chất", ông Phượng đặt vấn đề.